Kiếm 350.000 USD mỗi năm, sở hữu hai bất động sản, nhưng gia đình Lauren Fichter vẫn bất an về tài chính, chật vật lo tiền cho con vào đại học.
Fichter, 47 tuổi, ở thành phố Reading, bang Pennsylvania cùng chồng sở hữu một căn nhà và một bất động sản cho thuê. Tuy nhiên, khi con trai lớn Dalton sắp vào đại học, cậu phải tự tìm học bổng và vay vốn sinh viên. Vợ chồng chị không tiết kiệm đủ để trả khoản phí có thể lên tới 75.000 USD mỗi năm.
“Hồi trẻ, tôi không dám mơ kiếm được nhiều tiền thế này, nhưng giờ đây tôi cảm thấy chúng tôi chỉ là một gia đình trung lưu bình thường”, chị Fichter nói.

Chi phí sinh hoạt, học phí tăng cao khiến nhiều gia đình ở Mỹ có thu nhập thuộc top 10% cao nhất cả nước vẫn bất an về tài chính. Ảnh minh họa: Jessica Ruiz/WSJ
Theo các khảo sát, nghiên cứu về thu nhập và mức sống người Mỹ, gia đình Fichter thuộc nhóm 10% có thu nhập cao nhất (trên 250.000 USD mỗi năm). Dù con số này nghe có vẻ lớn, nhiều gia đình trong nhóm này lại không cảm thấy giàu có. Cảm giác bất an tài chính đến từ việc chi phí nhà ở, học phí đại học, bảo hiểm và các khoản vay tăng vọt trong nhiều năm, tạo áp lực ngay cả với người thu nhập cao.
Sở hữu những căn nhà giá trị lớn cũng không đồng nghĩa với sự an toàn, trong bối cảnh các công ty liên tục sa thải nhân viên và chế độ lương hưu đảm bảo ngày càng hiếm.
Năm 2023, sau 15 năm ở nhà, Fichter đi làm trở lại để có thêm tiền cho con vào đại học, nhưng số tiền vẫn chưa như kỳ vọng.
Dù sống ở khu vực có giá nhà phải chăng, các chi phí khác vẫn là gánh nặng. Tiền cho con chơi thể thao tốn 9.000 USD một năm. Hóa đơn điện nước 500 USD mỗi tháng, tăng khoảng 200 USD trong 5 năm. Chồng chị cố gắng tự sửa nhà và xe. Họ phải hoãn việc sơn nhà khi nhận báo giá 10.000 USD.
Theo bà Joanne Hsu, giám đốc các cuộc khảo sát người tiêu dùng của Đại học Michigan (Mỹ), dù người có thu nhập cao có lợi thế hơn, “nhà cửa và giáo dục đã trở nên quá đắt đỏ” đối với họ.
Khảo sát của Đại học Michigan cho thấy chỉ 26% người trong nhóm thu nhập trên 130.000 USD cảm thấy tình hình tài chính khả quan. Tuy nhiên, nhóm này cũng ngày càng lo lắng về việc mất việc làm.
Matt Killingsworth, một học giả tại Đại học Pennsylvania, cho biết hơn một phần tư số người có thu nhập hộ gia đình từ 200.000 đến 300.000 USD một năm nói rằng họ “không hài lòng” hoặc “hoàn toàn không hài lòng” với tình hình tài chính của mình.
Về lý thuyết, những người Mỹ này đang có cuộc sống tốt. Nhưng việc sống cạnh những người thực sự giàu có thể làm sai lệch cảm nhận của một gia đình khá giả về sự sung túc của bản thân.
Ở các khu vực đắt đỏ nhất, mức lương trong top 10% cao nhất cũng không đủ mua nhà. Những bất động sản này thường thuộc về các gia đình hưởng lợi từ đợt phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) hoặc thừa kế.

Gia đình Shafonne và Jimmy Myers ở California có thu nhập 350.000 USD mỗi năm nhưng vẫn thấy túng thiếu do phí sinh hoạt tăng. Ảnh: Jessica Ruiz/WSJ
Gia đình Shafonne và Jimmy Myers ở California là một ví dụ. Với thu nhập khoảng 350.000 USD một năm, họ vẫn phải thuê nhà từ khi chuyển đến Temecula năm 2019. Giá nhà tại đây đã tăng 57% trong 5 năm. Để mua một căn tương đương họ đang thuê, gia đình Myers cần trả trước 200.000 USD, với khoản thanh toán hàng tháng cao hơn nhiều so với tiền thuê 3.600 USD hiện tại.
“Để được coi là giàu ở California, bạn phải kiếm ít nhất một đến hai triệu USD”, Jimmy, 43 tuổi, làm trong ngành logistics, nói.
Chi phí đại học tăng vọt cũng là gánh nặng. Các gia đình này thường có thu nhập quá cao để nhận hỗ trợ tài chính, nhưng không đủ để dễ dàng chi trả. Tiêu chuẩn sống cũng thay đổi. Ở các khu dân cư thượng lưu, trẻ em học năng khiếu với giá 40 USD mỗi buổi, thanh thiếu niên chơi các môn thể thao đắt tiền.
Matt Dougherty, 32 tuổi, cảm thấy may mắn khi mua được nhà vào tháng 2/2021 với lãi suất thấp. “Giờ tôi không thể mua nổi chính căn nhà của mình”, anh nói. Người đàn ông này cũng đề cập đến giá cả và lãi suất đã tăng vọt.
Gia đình anh kiếm khoảng 208.000 USD một năm, thực nhận 11.800 USD mỗi tháng sau thuế. Các chi phí cố định như trả góp nhà, thực phẩm, gửi hai con nhỏ đã chiếm 9.000 USD. Khi phát sinh hóa đơn y tế hàng nghìn USD, họ phải bán cổ phiếu và bitcoin để trả.
Dougherty cho rằng thế hệ cha mẹ sẽ coi mức thu nhập của anh là giàu có. “Nhưng tôi phải đạt được mức thu nhập này chỉ để cho các con có được sự nuôi dưỡng mà tôi từng có: một tuổi thơ trung lưu ở ngoại ô”, anh chia sẻ.
Minh Phương (Theo WSJ)