Quê tôi Vĩnh Long có nhiều cồn nổi giữa sông tích tụ bồi đắp từ phù sa của một nhánh dòng Cửu Long, rộng lớn gọi là Cù Lao.

Trên cù lao rất xanh và mát mắt, đứng bên bờ sông ngó sang đã thấy những vườn cây trái trĩu quả xum xuê, thản nhiên đúng đưa các nhánh lá xanh xanh như cánh tay chào những người con xa quê khi có dịp trở về, bâng khuâng trên chuyến phà băng ngang mặt sông lấp loáng phù sa dưới ánh mặt trời vàng rực
Vĩnh Long có nhiều cù lao như Cù lao Bình Hòa Phước nổi tiếng, những cồn nhỏ hơn như cù lao Huệ, nhỏ hơn như cồn Ốc, thậm chí có những cồn hoang vu không người ở vì nước ròng mới thấy được mặt đất nổi lên…

Theo các anh chị lớn tôi kể lại :cồn Ốc là một trong những nơi hoang vu ít dấu chân người nên loài ốc gạo bám sống, sinh sôi vô số trên vùng đất sình được bồi đắp bởi phù sa đó, người dân muốn khai thác ốc gạo chỉ chờ kỳ con ốc gạo mập nhất không mang trứng sắp đẻ, bơi xuồng qua đó vào lúc con nước ròng là hốt ốc đem về hàng thúng giạ, chuyện có thật hay do tưởng tượng nhưng với tôi thật là điều lý thú…
Phải chăng từ nguồn thổ sản ốc gạo phong phú đó nên những kỳ giỗ kỵ Nội tôi hay làm món gỏi ốc gạo vô cùng hấp dẫn. Muốn ăn được con ốc này không phải dễ, vì thân nó mang đầy sình đất, phải ngâm nước vo gạo cả buổi trời để nhả sạch bùn sình, muốn làm gỏi phải đem luộc với lá ổi, dùng gai cây cam lể ốc lấy thân ra khỏi vỏ, ngắt bỏ khúc đít có phân, còn lại phần đầu mới dùng.
Ốc gạo có mùi đặc trưng nên Nội tôi luôn trộn gỏi với củ sắn, mùi rau răm, và nêm nước mắm sả chua ngọt nên món này ngon đáo để, các bợm nhậu thích mê tơi. Con ốc gạo thân nhỏ nhắn, ruột trắng trẻo, vỏ màu xanh nhạt trông sạch sẽ hơn con ốc bu, ốc lát nên có vẻ được quý.

Thường Nội tôi hay chọn người lể ốc sau khi luộc, miệng ít ăn vặt, ăn hỗn, vì cái thân mây mẩy nho nhỏ của con ốc mới luộc hấp dẫn ghê gớm, người ham ăn mà lể ốc khó cưỡng nổi việc bỏ vào miệng “ quất” liền… Chính vì cái hấp dẫn của con ốc gạo nên bao giờ Nôi phải luộc nhiều hơn để trừ hao hụt. Nhờ vậy tôi luôn được ăn món ốc gạo luộc trước khi đến món gỏi chờ cúng kiến xong.
Bây giờ ít ai còn nhớ để làm món gỏi ốc gạo vì chuyện nhiêu khê, chế biến qua nhiều công đoạn tốn thời gian. Thời “ăn xổi ở thì “, cuộc sống công nghiệp hóa làm mai một đi những cái thú vị hay những bất tiện trong ẩm thực dân dã Việt để phát sinh nhiều điều mới lạ, hay hơn hoặc tệ hơn. Để rồi ta sẽ biết!
Nguyễn Thị Thúy Hồng – MasterChef Việtnam mùa đầu tiên