The Outbox Company, công ty nghiên cứu thị trường và phân tích dữ liệu tập trung vào lĩnh vực du lịch & khách sạn tiên phong tại châu Á, chính thức công bố báo cáo nhanh Sức mạnh thương hiệu điểm đến Việt Nam qua góc nhìn của các thị trường nguồn châu Á.
Báo cáo phân tích cách thương hiệu du lịch của điểm đến Việt Nam năm 2024 được đánh giá tại các thị trường châu Á thông qua dữ liệu từ Destination Navigate thực hiện bởi The Outbox Company. Các chỉ số được đo lường bao gồm Sức Mạnh Thương Hiệu Điểm Đến (DBS), Net Promoter Score (NPS), mức độ nhận thức, sức hấp dẫn và khả năng ghé thăm Việt Nam trong 12 tháng tới của du khách từ 8 thị trường nguồn lớn của Châu Á (không bao gồm Trung Quốc).
Báo cáo cũng đánh giá hiệu quả quảng bá du lịch của Việt Nam và so sánh khả năng cạnh tranh của Việt Nam với các điểm đến khác trong khu vực Đông Nam Á. Báo cáo cung cấp nguồn dữ liệu và insight chiến lược hỗ trợ các nhà quản lý điểm đến và doanh nghiệp trong ngành hiểu rõ hơn về vị thế của Việt Nam, từ đó giúp tối ưu chiến lược thu hút khách du lịch quốc tế.
Sức mạnh thương hiệu điểm đến Việt Nam qua góc nhìn của du khách châu Á
Chỉ số Sức Mạnh Thương Hiệu Điểm Đến (Destination Brand Strengths – DBS) phản ánh mức độ nhận diện và hình ảnh của Việt Nam tại các thị trường nguồn chính trong khu vực. Chỉ số được xây dựng nhằm đo lường cả mong muốn ghé thăm (Propensity to Visit) và khả năng giới thiệu (Net Promoter Score) của một điểm đến.
Chỉ số thương hiệu mạnh cho thấy du khách không chỉ quan tâm đến việc ghé thăm mà còn có xu hướng giới thiệu điểm đến đó cho người khác, thể hiện vị thế thương hiệu tổng thể vững chắc.
Dữ liệu cho thấy Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ là ba thị trường đánh giá cao nhất về thương hiệu du lịch của điểm đến Việt Nam, với điểm số lần lượt là 142.8, 138.8 và 138.2. Điều này cho thấy Việt Nam có một hình ảnh thương hiệu tích cực và mức độ nhận diện cao tại các thị trường này.
Ngược lại, Nhật Bản và Đài Loan có điểm số thấp nhất, lần lượt là 106.9 và 103.4, phản ánh mức độ mong muốn và quan tâm hạn chế của du khách.
Mức điểm trung bình của Việt Nam trên toàn thị trường châu Á là 127.5, cho thấy thương hiệu du lịch Việt Nam có vị thế cạnh tranh nhất định nhưng vẫn tồn tại nhiều điểm cần cải thiện.
Để tận dụng lợi thế hiện tại, Việt Nam cần đẩy mạnh chiến dịch tiếp thị thương hiệu điểm đến và mở rộng giới thiệu sản phẩm du lịch mới tại các thị trường đã có mức độ nhận diện cao.
Đồng thời, việc thúc đẩy các chiến lược quảng bá điểm đến tiếp cận các thị trường có chỉ số hiệu quả thương hiệu còn hạn chế như Nhật Bản và Đài Loan là cần thiết để nâng cao mức độ nhận diện thương hiệu và thu hút sự quan tâm từ du khách tại các thị trường này.
Thảo Nguyên