HomeVăn hóa - Đời sốngViện Pháp tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm : Từ Sức...

Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm : Từ Sức mạnh mềm (soft power) đến Thương hiệu Quốc gia

Trong bối cảnh các vấn đề địa chính trị và kinh tế đang ngày càng liên kết chặt chẽ, ngoại giao văn hóa hay “soft power” (sức mạnh mềm) nổi lên như một công cụ thiết yếu đối với các quốc gia.

Nhận thấy tầm quan trọng này, Viện Pháp tại Việt Nam (IFV) tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề:  Từ Sức mạnh mềm (soft power) đến Thương hiệu Quốc gia – Đối thoại cùng Frédéric Martel. Chương trình diễn ra vào lúc 18h00, ngày 10.04.2025 tại CFVG, 91 Ba Tháng Hai, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh.

Là yếu tố tạo nên sức mạnh, Quyền lực mềm (soft power) sẽ giúp củng cố tính chính đáng cho các hành động của quốc gia trên trường quốc tế. Việt Nam, tương tự các quốc gia khác trên thế giới, đang đứng trước một thời điểm chiến lược quan trọng: Làm thế nào để khai thác tiềm năng văn hóa phong phú của mình nhằm định hướng các mối quan hệ quốc tế theo hướng có lợi nhất?

Frédéric Martel, nhà văn và học giả uy tín trong lĩnh vực phân tích chính sách văn hóa, đồng thời là nhà sản xuất chương trình cùng chủ đề trên France Culture, sẽ đưa ra các phân tích chuyên sâu về chủ đề này. Ông đặc biệt chú trọng vào một khía cạnh chưa được khai thác nhiều của soft power: làm thế nào các doanh nghiệp Việt Nam có thể biến soft power thành một công cụ tiếp thị hiệu quả thông qua xây dựng thương hiệu quốc gia (national branding). Sự chuyển đổi này sẽ tác động ngược lại như thế nào đối với chiến lược soft power?

Tại buổi tọa đàm, Frédéric Martel sẽ đối thoại cùng các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo tại TP.HCM như: Cartier Việt Nam, Universal Music Vietnam, POPS Worldwide và công ty thiết kế Laita Design.

Với sự góp mặt của các diễn giả :

  • Grégory Hallak, Tổng Giám đốc Cartier Vietnam
  • Fabien Lotz, Giám đốc điều hành, POPS Worldwide
  • Sean Đoàn, Giám đốc marketing quốc tế và chiến lược thương mại, Universal Music Vietnam
  • KTS Nguyễn Đình Hòa, Đồng sáng lập Laita Design
  • Fabien De Geuser, Giám đốc Trung tâm Pháp Việt Đào tạo về Quản lý (CFVG)

Thông tin về diễn giả Frédéric Martel: 

Frédéric Martel là nhà văn, giảng viên đại học kiêm phóng viên. Ông sở hữu bốn bằng thạc sĩ về khoa học xã hội, khoa học chính trị, công pháp và triết học (đại học Paris II và Paris I, DEA/Master 2 về Nghiên cứu). Ông từng là tuỳ viên văn hoá Đại sứ quán Pháp tại Mỹ và phụ trách phòng sách Đại sứ quán Pháp tại Rumani.

Là giáo sư đại học (theo nhiệm kỳ), từ năm 2020, ông giảng dạy môn “kinh tế sáng tạo” tại đại học ZHdK, Zurich, đồng thời đứng đầu khoa nghiên cứu tại Trung tâm Kinh tế Sáng tạo Zurich (ZCCE/ZHdK). Công việc chủ yếu của ông liên quan đến Internet, chính sách văn hoá, “soft power” (quyền lực mềm), ngoại giao ảnh hưởng, các ngành công nghiệp sáng tạo, phương tiện truyền thông, “smart cities” (thành phố thông minh) và các vấn đề về nhân quyền.

Ông là tác giả của hơn chục đầu sách, trong đó có De la culture en Amérique (Về văn hoá ở châu Mỹ, Gallimard, 2006), Mainstream, Enquête sur la guerre globale de la culture et des médias (Thị hiếu đại chúng, điều tra về cuộc chiến văn hoá và truyền thông toàn cầu, Flammarion, 2010; được dịch sang hơn mười thứ tiếng) và Smart, Enquête sur les internets (Smart, điều tra về Internet, Stock, 2014; được dịch sang tám thứ tiếng). Cuốn sách mới nhất của ông, Sodoma, Enquête au cœur du Vatican (Sodoma, cuộc điều tra trong lòng Vatican, Robert Laffont, 2019), đã được dịch sang hơn hai mươi thứ tiếng và là tác phẩm bán chạy nhất tại hơn mười lăm quốc gia (cũng là một “New York Times bestseller”).

Về các diễn giả: Grégory Hallak, Tổng Giám đốc Cartier Vietnam

Tốt nghiệp ngành Luật tại Đại học Toulouse (Pháp), ông nhanh chóng chuyển hướng sang ngành thời trang cao cấp.

Năm 2004, ông gia nhập Tập đoàn Richemont với vai trò Giám đốc Kinh doanh khu vực cho thương hiệu đồ da cao cấp Maison Lancel. Sau đó, ông tiếp tục phát triển sự nghiệp trong ngành trang sức và đồng hồ, trước khi gia nhập Cartier năm 2015 với vai trò Giám đốc Omnichannel tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Năm 2023, ông được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Cartier Việt Nam, phụ trách chiến lược phát triển thương hiệu, bao gồm việc mở cửa hàng đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh.

Fabien Lotz, Giám đốc Điều hành (COO) của POPS Worldwide – Công ty giải trí kỹ thuật số hàng đầu có trụ sở tại Đông Nam Á. Trong vai trò này, ông phụ trách điều hành hoạt động hàng ngày của công ty và triển khai các chiến lược nhằm nâng cao hiệu quả cũng như hỗ trợ sự phát triển của mảng giải trí kỹ thuật số.

Đáng chú ý, POPS Worldwide đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối ngành giải trí giữa Đông Nam Á và Nhật Bản, tạo điều kiện cho việc trao đổi nội dung và hợp tác giữa hai khu vực. Công việc của Fabien có ý nghĩa then chốt trong việc thúc đẩy sự gắn kết liên khu vực này và mở rộng sự hiện diện của POPS Worldwide.

Sean Đoàn, Trưởng bộ phận Marketing quốc tế và Chiến lược thương mại, Universal Music Vietnam

Với nhiều năm kinh nghiệm, anh đã dẫn dắt thành công nhiều chiến dịch cho các nghệ sĩ quốc tế tại Việt Nam, bao gồm Hit Me Hard and Soft của Billie Eilish, Eternal Sunshine của Ariana Grande, và Head in the Clouds của Hayd (trình diễn tại The Masked Singer Vietnam).

Nguyễn Đình Hòa, Đồng sáng lập Laita Design, Kiến trúc sư và nhà thiết kế người Việt Nam.

Anh bắt đầu sự nghiệp tại công ty Nguyễn Trường Lưu Architects trước khi gia nhập A21 Studio. Năm 2018, anh đồng sáng lập LAITA Design – một studio thiết kế liên ngành. Là nhà thiết kế chính, anh đã sáng tạo ra ghế THUN Lounge, giành giải thưởng Red Dot Award for Design Concept năm 2020. Chiếc ghế lấy cảm hứng từ vẻ đẹp tự nhiên của những sợi dây đan, gợi nhớ đến hình ảnh cây cổ thụ với dây leo uốn quanh thân.

  1. Fabien De Geuser, Giám đốc Trung tâm Pháp Việt Đào tạo về Quản lý (CFVG)

Fabien De Geuser là giáo sư tại Trường Kinh doanh ESCP. Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ ngành khoa học quản lý tại HEC Paris, ông từng là trợ lý giáo sư tại HEC Lausanne, rồi trở thành phó giáo sư tại ESCP Europe từ năm 2008. Tại đây, ông cũng từng đảm nhiệm vai trò Phó Hiệu trưởng chương trình Grande Ecole (Thạc sĩ Quản trị – MiM) và chương trình đào tạo liên tục.
Nghiên cứu và giảng dạy của ông tập trung vào việc điều chỉnh các công cụ quản lý để phù hợp hơn với nhu cầu thực tế của các nhà quản lý, cũng như phát triển tư duy phản biện trong môi trường doanh nghiệp.

Thụy Dương

Bài liên quan

spot_img